Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10
Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử UBND Xã Trà Nam

Chi tiết tin

Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Khắc phục những yếu kém

Từ năm 2012 đến nay, nhờ ngành chức năng nỗ lực thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai khâu này ở nhiều địa phương vẫn còn không ít hạn chế…

Ông Nguyễn Đình Hồng – Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 18/20 cơ sở dạy nghề có tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), tập trung chủ yếu ở một số cơ sở dạy nghề như Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề Thanh niên, Trường Trung cấp nghề Nam Quảng Nam, Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam, Trung tâm Dạy nghề huyện Duy Xuyên, Trung tâm Dạy nghề huyện Tây Giang, Trung tâm Dạy nghề huyện Bắc Trà My...

Nhiều hạn chế

 Theo ông Hồng, bên cạnh những đơn vị dạy nghề có năng lực thì cũng còn không ít cơ sở dạy nghề, nhất là các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề ở các huyện chưa đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. phần lớn các trung tâm dạy nghề này hợp đồng giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, chi cục bảo vệ thực vật, chi cục thú y, các phòng NN&PTNT và những trạm bảo vệ thực vật, thú y cấp huyện.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại.Ảnh: N.SỰ
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại.Ảnh: N.SỰ

Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua việc triển khai công tác dạy nghề cho LĐNT ở nhiều nơi vẫn còn chậm, thiếu tính đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ban chỉ đạo ở một số địa phương chưa dành nhiều thời gian cho khâu tổ chức chỉ đạo, tham gia thực hiện đề án. Việc dạy nghề của các đơn vị đào tạo còn nặng lý thuyết, ít thực hành. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT còn hạn chế và một số hội, đoàn thể chưa đẩy mạnh việc vận động hội viên của tổ chức mình tham gia học nghề lập nghiệp. Chính vì vậy, nhiều LĐNT vẫn chưa nhận thức đầy đủ lợi ích, ý nghĩa của việc đào tạo nghề nên một bộ phận không nhỏ người dân chưa thực sự tha thiết học nghề, trong khi bản thân họ hiện chưa có nghề và chưa có việc làm ổn định. Không chỉ vậy, nhiều phòng, ban chuyên môn ở các huyện, thành phố chưa phối hợp tốt với các hội, đoàn thể trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn. Ban chỉ đạo cấp huyện không thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ để chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn từ cơ sở. Nhiều nơi chưa quan tâm đến vấn đề tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và chưa căn cứ vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xác định nhu cầu học nghề. Do vậy, số liệu điều tra, thống kê không chính xác, dẫn đến việc lập kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT hằng năm chưa sát thực tế, cụ thể là xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp thì cao nhưng kết quả thực hiện lại đạt thấp. Còn nữa, qua 3 năm triển khai nhưng vẫn còn rất ít các mô hình điển hình về dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT và hỗ trợ cho LĐNT giải quyết tốt việc làm sau đào tạo.

Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém nêu trên là vì giá cả của sản phẩm nông nghiệp thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định khiến người lao động băn khoăn khi đăng ký học nghề và có quá ít doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ở nông thôn. Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực LĐNT để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều nông dân chưa coi việc được đào tạo nghề là nhu cầu cần thiết. Tình trạng người lao động còn thụ động với đào tạo nghề, chưa xác định mục tiêu sau đào tạo vẫn còn phổ biến. Cạnh đó, cán bộ phòng NN&PTNT ở các huyện, thành phố kiêm nhiệm nhiều công việc, vì vậy chưa dành nhiều thời gian theo dõi công tác dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT. Kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát rất hạn chế, trong khi đó điều kiện đi lại đối với các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn...

Giải pháp nào tạo cú hích?

Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2012 đến nay với nguồn kinh phí gần 7,3 tỷ đồng, Quảng Nam đã tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho 9.552 LĐNT. Trong đó, có 4.963 người thuộc diện gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác và 789 người là hộ cận nghèo, còn lại 3.800 người là LĐNT khác. Theo tìm hiểu, trong số 9.552 lao động được đào tạo nghề nêu trên thì có 2.220 lao động ở 42/56 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2015. Được biết, 3 năm qua tổng số nghề nông nghiệp đã đào tạo cho LĐNT là 25 nghề, trong đó nghề sử dụng thuốc thú y có số lượng người học nhiều nhất, kế đến là các nghề khác như nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, trồng – chăm sóc – khai thác mủ cao su, trồng lúa năng suất cao, nuôi gà thả vườn, trồng hồ tiêu...

Theo kế hoạch, năm 2015 toàn tỉnh tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho 4.524 LĐNT với tổng kinh phí dự toán gần 3,6 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay và những năm kế tiếp thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Đình Hồng – Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian tới nên tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, vận động, tuyên truyền đề án đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố phải khảo sát kỹ nhu cầu người học, đào tạo nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát đúng với tình hình thực tiễn. Trong đào tạo cần lấy thực hành làm chính, với phương châm “cầm tay chỉ việc” gắn với các mô hình sản xuất có hiệu quả, bền vững. Không tổ chức dạy và học khi không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học nghề. Ông Hồng nói: “Theo tôi, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt chỉ đạo các phòng ban liên quan ưu tiên đào tạo nghề cho những xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015, nhằm góp phần đạt chuẩn các tiêu chí về tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, đạt tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tỷ lệ lao động qua đào tạo theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia. Đồng thời tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án như chương trình xây dựng NTM, chương trình khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư... để tổ chức dạy nghề cho LĐNT”.

Theo nhiều ý kiến, trên cơ sở chương trình, giáo trình nông nghiệp do Bộ NN&PTNT ban hành, các cơ quan có trách nhiệm cần chỉ đạo, hướng dẫn những cơ sở dạy nghề biên soạn chương trình, giáo trình có nội dung phù hợp với đặc thù của địa phương và nhu cầu của người học. Đồng thời thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp để áp dụng nhằm đem lại hiệu quả cao trong khâu đào tạo. Đặc biệt, tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu, có hiệu quả cao từ việc ứng dụng những kiến thức được đào tạo qua các lớp dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT. Ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn đề xuất: “Để việc nhân rộng mang lại thành công thì cần lưu ý những giải pháp về thông tin, giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả ở địa phương và thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng cũng như cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm”.


Tác giả: NGUYỄN SỰ

Nguồn tin: http://www.baoquangnam.com.vn/


Ý kiến bạn đọc: (0)

Thông tin (*) là bắt buộc:
Họ và tên: (*)  
Địa chỉ:
Email:
Nội dung: (*)  
Mã xác nhận (*)
 

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ NAM - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Xã Trà Nam - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập